Kiến trúc Lăng Ông (Bà Chiểu)

Miếu thờLăng Ông trên mặt sau tờ 100 đồng Việt Nam Cộng Hòa

Chung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, được xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây. Cổng có hàng đại tự nổi bằng chữ Hán Thượng Công Miếu, được đặt ở hướng Nam, mở ra đường Vũ Tùng. Trước năm 1975, cổng này đã từng được chọn là biểu tượng của vùng Sài Gòn-Gia Định xưa.

Khu lăng được xây dựng trên một trục đường chính. Từ cổng Tam quan ở phía nam vào qua một khu vườn cảnh là:

  1. Nhà bia nơi đặt bia đá ghi công đức Tả quân
  2. Mộ Tả quân và vợ, có bình phong và tường hoa bao quanh
  3. Miếu thờ

Nhà bia

Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong có tấm bia đá khắc văn bia chữ Hán đề "Lê công miếu bia" (Bia dựng tại miếu thờ Lê công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894). Nội dung văn bia ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.

Lăng mộ

Toàn thể khu mộ đều được xây bằng một loại vữa hợp chất[9].

Phần mộ gồm hai ngôi mộ song táng: Tả quân và vợ là bà Đỗ Thị Phẫn[10]. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng ngỗng xẻ theo chiều dọc, úp trên bệ lớn hình chữ nhật. Theo các nhà khảo cổ học và kiến trúc sư, mộ này còn được gọi là mộ "quy" (quy tức là rùa, vì ngôi mộ có hình dáng như một con rùa đang nằm). Trước mộ có một khoảnh sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ Lê Văn Duyệt phía bên phải. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.

Ngoài ra, ở đây còn hai phần mộ nhỏ của hai cô hầu [11].

Miếu thờ

Cách khu lăng mộ một khoảng sân dài đến khu vực "Thượng công linh miếu", nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Lê Văn Duyệt. Bố cục của miếu bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện. Mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một khoảnh sân lộ thiên, gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời). Đối xứng hai bên trục nhà chính là hai dãy Đông lang và Tây lang.

Công trình mang dấu ấn của lối kiến trúc miếu thờ nhà Nguyễn, với những mái "trùng thiềm điệp ốc"[12] và kỹ thuật kết nối khung nhà bằng các lỗ mộng. Ngoài ra, nhờ kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ mà nơi thờ cúng này còn giữ được vẻ đẹp cổ kính cho đến ngày nay.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lăng Ông (Bà Chiểu) http://www.mediafire.com/download/3czs9437ntjnp86/... http://www.tvkarch.com/so-do-lang-le-van-duyet-(la... http://caom.archivesnationales.culture.gouv.fr/sdx... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2008/3/521... http://congan.com.vn/tin-chinh/tphcm-chinh-thuc-co... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://www3.tuoitre.com.vn/Tetonline2008/Index.asp... http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/phongtuctapquan/2... http://www.vtc.vn/vanhoa/dsvn/173649/index.htm